Tới Gruzia làm rượu vang bằng bình đất
Với phương pháp sản xuất rượu vang truyền thống trong những chiếc bình đất sét khổng lồ, làng nghề rượu vang cổ tại Gruzia đã thu hút đông đảo du khách khắp nơi trên thế giới đến thăm quan.
Việc sử dụng những chiếc bình đất sét khổng lồ được coi là phương pháp cổ xưa nhất trong chế biến rượu vang mà Gruzia hi vọng, không chỉ tạo ra thứ rượu rất có lợi cho sức khỏe mà còn thúc đẩy du lịch cho làng nghề truyền thống.
Những người thợ thủ công ở Gruzia mất rất nhiều công để làm ra chiếc bình, bởi đặt những chiếc bình lớn vào lò nung là không hề đơn giản. Để có được một chiếc bình, chúng phải được nung ở 1000 độ C. Một số gia đình ở đây chỉ chuyên làm nghề sản xuất bình rượu. Mỗi chiếc bình mang lại lợi nhuận từ 438 – 625 USD.
Ông Gocha Klilashvili, Thợ thủ công cho biết: “Những chiếc bình này có tên gọi Kvevri. Nó được nung liên tục trong vòng 10 ngày và trong 3 ngày cuối cùng, bạn phải giám sát một cách kỹ lưỡng. Nếu để 1 phút sơ sẩy thôi, chiếc bình sẽ vỡ tan”.
Những chiếc bình dạng này được gia đình nhà Klilashvili bán trên khắp Gruzia, Armernia, Ukraina và Italia. Hầu như đó là những nơi vẫn giữ cách làm rượu vang truyền thống. Cách làm theo người dân bản địa là rất đơn giản: chỉ cần đổ nước ép nho vào bình đất sét và chôn xuống đất. Thân cây, vò và hạt được dùng để lên men. Quan trọng, đây là một quá trình lên men tự nhiên, có thể kéo dài đến vài tháng. Thứ làm ra độ mát của rượu chính là sự kết hợp giữa vị nho và đất sét, trong độ ẩm của đất. Chúng sẽ tạo thành một hương vị độc đáo. Hiện tại, nhà Klilashvili có tới 107 chum rượu vang, sản xuất khoảng 300 nghìn lít rượu vang 1 năm.
“Chúng tôi đang cố gắng làm sống lại một nghề truyền thống và phổ biến ra khắp thế giới. Thứ nước uống này được trải qua một quá trình lọc tự nhiên và không chất phụ gia, chính vì thế nó rất tốt cho sức khỏe”, ông Gela Gamtkitsulashvili cho biết thêm.
Những du khách tìm về đây không chỉ được thưởng thức thứ rượu vang nguyên chất mà còn được tham gia trực tiếp vào quá trình làm rượu truyền thống. Hiện tại Gruzia đang muốn nhân rộng mô hình này tại các khu làng trên toàn quốc.
>> Xem thêm: Georgia có những đặc sản ăn mãi chẳng chán