Những chú ngựa Karabakh – biểu tượng của Azerbaijan
Mạnh mẽ, cứng cỏi và cao quý, những phẩm chất này chính là những điều được mong đợi từ một sinh vật được coi là biểu tượng quốc gia. Những chú ngựa Karabakh trong truyền thuyết là một sinh vật đẹp đẽ, quý giá và cực kỳ quan trọng đối với người dân Azerbaijan.
Hình ảnh này có thể thấy ở bất cứ đâu từ những câu chuyện dân gian cho đến những chiếc tem bưu điện nhưng hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
“Người đàn ông dũng cảm được biết tới nhờ con ngựa của anh ta”, câu nói này mô tả lòng tự hào và tình yêu của người Azerbaijan với ngựa.đất nước Azerbaijan có điều kiện khí hậu và địa lý ưu đãi cho việc gây giống và chăn nuôi ngựa. Sự hiện diện đầu tiên của ngựa trong vùng này có từ 5000 năm trước công nguyên. Ngựa là niềm tự hào và tự trọng của người Azerbaijan trong nhiều thế kỷ.
Ngựa Karabakh được xem như một trong những giống ngựa cổ xưa ở châu Á và Kavkaz, nó được lai từ những giống ngựa tốt nhất: ngựa Akhal-Teke, ngựa Turkoman và ngựa Ả rập. Những chú ngựa Karabakh được đặt tên theo vùng đất nơi chúng được nuôi dưỡng, nổi tiếng bởi mầu lông hạt dẻ nâu sẫm, tính tình điềm đạm, sức bền và đặc biệt là bởi tốc độ hiếm thấy. Tổ chức Karabakh Foundation nghiên cứu về văn hóa và di sản Azerbaijan cho biết, trong năm 2004, một con ngựa từ vùng Agdam lập kỷ lục thế giới chạy 1.000 mét trong 1 phút 9 giây.
Chủ tịch của tổ chức này, Tiến sĩ Adil Baguirov gốc từ vùng Karabakh nói rằng những chú ngựa này hết sức quan trọng đối với người Azerbaijan. “Người Azerbaijan cho đến vài thế kỷ trước vẫn ưa chuộng phong cách sống bán du mục đặc biệt trong vùng Karabakh có đồng cỏ tươi tốt. Thậm chí vào cuối thế kỷ 19, một phần lớn người Azerbaijan trong vùng này vẫn sống trên núi vào mùa hè và xuống núi vào mùa đông”. Ông Baguirov cũng lý giải chính khả năng đi trên địa hình vùng núi dốc lởm chởm khiến những con ngựa này trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống những người dân nơi đây.
Trong suốt thế kỷ 18 và 19, giống ngựa này ngày càng được ưa chuộng ở châu Âu, được xuất khẩu đi nhiều nơi và đạt được nhiều giải thưởng cao quý trong những cuộc triển lãm, trưng bày. Ibrahim- Khalil, khan của vùng Karabakh từng sở hữu một một đàn lớn từ 3.000 đến 4.000 con ngựa trong thế kỷ 18. Tuy vậy, những cuộc xung đột và chiến tranh dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng đàn ngựa. Anh Yashar Guluzade, chủ đàn ngựa Karabakh lớn nhất và thuần chủng nhất hiện nay cho biết: “Trong cuộc xung đột Armenia và Azerbaijan, những con ngựa liên tục bị chuyển từ vùng này tới vùng khác, đó là nguyên do khiến ngựa cái mang thai bị sảy và số lượng ngựa ngày càng giảm”. Những con ngựa bị đưa tới những vùng đất khác cũng không có điều kiện phù hợp cũng như bãi chăn thả tốt để phát triển. Theo tổ chức Karabakh Foundation trên khắp thế giới có chưa đầy 1.000 con ngựa Karabakh (năm 2011) nhưng số có dòng dõi thuần chủng có thể đếm trên đầu ngón tay.
Ngựa Karabakh gắn với môn thể thao truyền thống của đất nước Azerbaijan, chovgan- cưỡi ngựa chơi bóng- được xem là tiền thân polo. Gốc gác của nó có thể từ giữa thiên niên kỷ đầu tiên và đến nay cũng không có nhiều thay đổi. Dù hầu hết những nguyên tắc chơi cơ bản vẫn giống như môn polo ở những nơi khác, nhưng ở đây người chơi không bao giờ mang mũ bảo hiểm hay yên cương. Vì thế chovgan là trò chơi của kỹ năng nhưng trên hết đó là lòng dũng cảm. Người chơi cưỡi những con ngựa đực Karabakh nổi tiếng với tốc độ và sức bền hiếm có. Bahruz Nabiyev, Chủ tịch Liên đoàn đua ngựa Azerbaijan nói: Những người e ngại một hoạt động nào đó trong đời thì không thể chơi được môn này, nhưng đó lại là môn thể thao ăn sâu vào đời sống người dân trên đất nước Azerbaijan. Đó là một phần lịch sử của đất nước, mỗi người dân đều có một tình yêu đối với những con ngựa này từ lịch sử. Những người chăn ngựa đã chơi trò này từ rất lâu trước đây. Sau đó họ bắt đầu biến nó trở thành một môn thể thao chính thức ở Azerbaijan và làm nên những cuộc tranh tài và danh hiệu vô địch.
Chovgan đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới phi vật thể năm 2013 và những chú ngựa Karabakh cũng được Nhà nước và tư nhân chung tay tìm cách bảo vệ và phát triển. Dưới những chân đồi phủ cây rậm rạp ở Sheki, một thành phố nhỏ cách thủ đô Baku 300 km là một trong những đàn gia súc Karabakh lớn nhất còn lại. Chủ đàn gia súc này, anh Yashar Guluzade đã khôi phục lại giống ngựa từ hơn 10 năm trước trong vùng núi chưa bị hủy hoại qua các cuộc chiến tranh. Đàn ngựa có 35 con ngựa Karabakh thuần chủng. Anh nói sẽ tiếp tục gây giống đàn ngựa bởi lo lắng về tương lai của chúng. “Chiến lược của tôi là mỗi con ngựa cái thuần chủng phải để lại ít nhất một con, tốt nhất là con cái. Tôi sẽ tiếp tục công việc mà những người khác thiếu trách nhiệm trong quá khứ”.
Bộ Nông nghiệp Azerbaijan cũng đề ra một số chương trình gây giống ngựa, luật hiện hành cũng không cho phép xuất khẩu loài ngựa quý hiếm này. Ông Khhandan Rajabli, Giám đốc quản lý chương trình gây giống của bộ nói rằng chương trình bao gồm việc cải thiện dịch vụ thú y, đào tạo và nghiên cứu khoa học DNA của giống ngựa, “việc thành lập một hệ thống nhận diện như hộ chiếu để theo dõi giống ngựa này đã được tiến hành”.
Một công ty ở Đức cũng hỗ trợ các nghiên cứu về gien ngựa và thiết lập hồ sơ về gien để tạo nên một hệ thống có thể xác nhận giống ngựa này trong tương lai. Cô Verena Scholian, chuyên gia về ngựa người Đức làm việc với chính phủ đất nước Azerbaijan và tư vấn về chương trình gây giống ngựa cũng như trang thiết bị kỹ thuật cần thiết, đã dành hàng chục năm nghiên cứu về nòi giống Karabakh nói rằng rất dễ để thấy sức hấp dẫn của những con ngựa này: “Tôi thích làm việc với chúng, chúng điềm tĩnh, thân thiện và chắc chắn là rất nhanh nhẹn”.
“Những con ngựa Karabakh là biểu tượng của di sản và niềm tự hào của đất nước Azerbaijan, nó là một dòng dõi cổ xưa không thể tách rời khỏi nét đặc sắc của đất nước chúng tôi, cũng như trò chơi bóng trên lưng ngựa vậy”, ông Rajabli nói.
Năm 2013 Chovgan – trò cưỡi ngựa Karabakh chơi bóng được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cần thiết bảo tồn khẩn cấp. Trò chơi diễn ra trên đồng cỏ, trong điệu nhạc dân gian gọi là Janghi, với hai đội chơi trên lưng ngựa, mỗi đội có năm người. Người chơi và người tập luyện đều là những nông dân khỏe mạnh và cưỡi ngựa giỏi. Họ đội chiếc mũ khan, áo choàng dài ôm người với eo cao và quần, tất và giày đặc biệt. Trận đấu bắt đầu ở trung tâm cánh đồng và người chơi dùng một cái vồ gỗ để đưa quả bóng gỗ hoặc da nhỏ vào gôn của đối phương. Trò chơi nhắc nhớ về gốc gác nền văn hóa du mục gắn với nhận thức về ngựa như một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Những luật lệ, kỹ năng và kỹ thuật của trò chơi được truyền từ người chơi giàu kinh nghiệm tới những người mới qua huấn luyện tập thể. Tuy vậy, trò chơi và sự chuyển giao qua thế hệ ngày càng kém bởi lớp thanh niên không còn quan tâm đến trò chơi truyền thống này do quá trình đô thị hóa và di cư, dẫn đến thiếu hụt người luyện, người chơi và cả ngựa Karabakh.
>> Xem thêm: Khám phá nghệ thuật dệt thảm khi du lịch Azerbaijan